Tôi đã vuột mất công việc đáng giá ‘ngàn vàng’ như thế này đấy

Nói một cách xa hơn, khi bạn bắt đầu một việc gì đó thì nên có những bước chuẩn bị thật kĩ càng chứ không nên “tưởng bở” rằng chúng có thể bổ sung sau vì hiện tại không cần thiết lắm.

Người ta thường nghĩ mình có khối thời gian chuẩn bị, cho đến khi ngỡ ngàng nhận ra cơ hội ngàn vàng phút chốc nhảy ào ra cửa sổ, mà ta chỉ còn biết đứng đó lớ ngớ. Thế đấy các bạn, một cái bạt tai vào mặt, đau điếng và bàng hoàng, chính bởi vì sự tưởng bở của bản thân chúng ta.

Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện, tôi là một con người sống và lớn lên dưới lối sống thành tích được đào tạo từ khi lọt lòng bởi các nhà phong kiến là ông bà và cha mẹ tôi đây. Thế nhưng khoan hãy kết luận đi đã, vì trong xã hội này việc lấy thành tích ra để làm thước đo vẫn chưa hoàn toàn bị xóa bỏ. Cho nên tôi kể câu chuyện này, mặt khác là cho các bạn nhìn thấy rằng đôi khi chỉ một chút tưởng bở ở thì hiện tại cũng có thể phá hoại một “dấu son” ở thì tương lai.

Suốt khoảng thời gian học đại học tôi chưa một lần chăm chút cho phong trào, cũng như các hoạt động tại trường khác. Tôi chỉ mãi lo nghĩ về việc các nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy một con người cần mẫn đi làm thêm và có khối kinh nghiệm dày dạn về những công việc mà tôi từng bươn chải ngoài đời. Dĩ nhiên cho đến cuối năm hai tôi mới nhận thấy điểm số mình có vẻ giảm sút. Tôi tự nhận thức bản thân rất tốt và tập trung học hành nhiều hơn. Điểm số của tôi một lần nữa được cải thiện. Trong trường hợp của tôi lúc bấy giờ, vừa có một bảng điểm tương đối, cộng với những kĩ năng sống do chính mình tự làm ra mà tích cóp được, tôi cảm thấy khá yên tâm.

Thế nhưng lần thứ nhất nộp đơn thực tập cho một doanh nghiệp nội địa, họ hỏi tôi, một dạng câu hỏi kết thúc trong phỏng vấn, nghĩa là chỉ là một câu hỏi bâng quơ ngay khi tôi đã chuẩn bị đứng dậy.

“À mà, em có hay tham gia các hoạt động trong trường không nhỉ? Trong hồ sơ của em tôi không thấy?”

Phút giây đó, tôi nghĩ mình đã thiếu những tiêu chí cơ bản của một sinh viên năng động. Tôi vội vàng trở về trường và đăng kí vào “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, đáng tiếc thay điểm rèn luyện của tôi quá thấp do việc tham gia hoạt động không nhiều. Nhưng nhìn lại, thời gian đó gia đình tôi cũng không thích tôi tham gia vào hoạt động trường cho lắm, mà chính xác là trải qua các năm học tôi chưa từng tham gia bất kì hoạt động nào.

“Tốn thời gian”

Đó là câu mà mẹ tôi khẳng định, bà nghĩ để thời gian học sẽ tốt hơn việc tham gia đội nhóm ở trường đại học. Và giờ thì tôi chẳng có lấy bất kì một giấy chứng nhận nào để chuẩn bị ra khỏi trường, dù điểm tôi thuộc hàng khá và kinh nghiệm làm việc bên ngoài cũng không ít.

Thế nhưng tin tôi đi, việc bổ sung các giấy tờ chứng nhận sẽ khiến Sơ yếu lí lịch của bạn nổi bật hơn so với những người khác.

Vấn đề tôi nhắc tới qua câu chuyện này không chỉ riêng việc tự trách chính mình khi nước đến eo mới bắt đầu bơi. Trong suốt khoảng thời gian học đại học tôi không hề xem trọng điểm rèn luyện của bản thân vì cảm thấy như vậy đã ổn mà không nghĩ đến tương lai sẽ dùng nó làm “dấu son” cho đời sinh viên của mình. Vấn đề khác nữa chính là sinh viên ngày nay còn khá thụ động với các hoạt động trường lớp mà chỉ cố gắng đi xin việc làm từ bên ngoài. Tôi nghĩ những công việc như phục vụ tại các cửa hàng nên gói ghém trong vòng từ 3 đến 5 tháng đủ để bản thân có kinh nghiệm thực tế. Sau đó nên tự khai thác các hoạt động tại trường, tự mình ứng cử cho một đội nhóm nào đó. Hoặc năng động hơn, trở thành chủ nhiệm của một câu lạc bộ. Việc thêm những tiêu chí đó bên cạnh kinh nghiệm có được từ bên ngoài sẽ khiến Sơ yếu lí lịch của bạn trở nên đẹp toàn diện. Chứ không như tôi, chỉ tập trung học và có kinh nghiệm xã hội.

Nhưng dù sao tôi cũng đã không thể có lấy cho mình một “dấu son” nào trước khi ra khỏi trường. Việc đó luôn khiến tôi rất ân hận vì đã không chuẩn bị cho mình hành trang đầy đủ ngay từ đầu. Nói một cách xa hơn, khi bạn bắt đầu một việc gì đó thì nên có những bước chuẩn bị thật kĩ càng chứ không nên “tưởng bở” rằng chúng có thể bổ sung sau vì hiện tại không cần thiết lắm.

Không đâu các bạn, mọi thứ trên đường chúng ta bước đi, kể cả một hòn đá hay cây cột điện bên đường đều là một bài học xương máu cho chúng ta sau này. Như là chính tôi đây. Mong rằng câu chuyện nhỏ của tôi sẽ phần nào giúp các bạn thuận lợi hơn trên con đường tìm việc sắp tới – ý tôi là sau khi đã chán chê với bài vở thi cử và bị “đá” khỏi trường đại học.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *